Triển khai gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội

Triển khai gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội


12/05/2023 10:52 AM

Để đẩy nhanh gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cho phép ủy quyền công bố danh mục dự án nhà ở xã hội cho UBND các địa phương.

Triển khai gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội

Nhiều doanh nghiệp bất động sản khó khăn

Thị trường bất động sản trong quý I vừa qua đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục ở một vài phân khúc là chung cư và nhà ở riêng lẻ, nhà phố, nhưng nhìn tổng thể, thị trường vẫn có nhiều khó khăn, nguồn cung rất hạn chế, thanh khoản ở mức thấp.

Trước thực trạng này, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã trực tiếp làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án bất động sản.

Với TP Hồ Chí Minh, qua rà soát 180 dự án nhà ở, phát hiện trên 80% dự án gặp khó khăn, vướng mắc. Còn Hà Nội có 170 dự án nhà ở, đô thị; Đà Nẵng 75 dự án; Cần Thơ 79 dự án, Hải Phòng 65 dự án.

Các vướng mắc đều liên quan tới pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư và nhà ở... Tất cả đều thuộc thẩm quyền của địa phương giải quyết.

Để khắc phục khó khăn trước mắt, các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang phải thay đổi phương án kinh doanh, tái cơ cấu nợ, thu hẹp quy mô đầu tư, tinh giản bộ máy.

Triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội

Hai nút thắt lớn nhất của thị trường bất động sản đó là cơ chế chính sách và dòng vốn đều đã được nhận diện. Để thúc đẩy nhanh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cho phép ủy quyền công bố danh mục dự án nhà ở xã hội cho UBND các địa phương.

Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ phê duyệt dự án và đối tượng được hưởng ưu đãi từ gói vay, còn các ngân hàng căn cứ danh sách sẽ xem xét giải ngân đúng yêu cầu.

Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Theo đó, các địa phương sẽ phê duyệt danh sách cụ thể các dự án, các đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại sẽ áp dụng điều kiện cho vay và lập quỹ dự phòng rủi ro, không đánh đồng giữa các doanh nghiệp.

"Các doanh nghiệp phải tiếp tục lựa chọn các dự án để chúng ta đầu tư có trọng tâm trọng điểm, để làm sao các sản phẩm sớm thanh khoản, tránh tình trạng là các dự án dàn trải. Thậm chí phải tái cấu trúc lại để tập trung nguồn lực từ những dự án chưa có triển vọng cho nguồn lực đầu tư các dự án sớm có cái sản phẩm ra thị trường", ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nêu quan điểm.

Nút thắt cho dòng vốn 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội đã được tháo gỡ. Tuy nhiên một dòng vốn dài hơi, quan trọng và bền vững là từ trái phiếu cũng cần sớm được gỡ vướng.

"Cần có những giải pháp để giải quyết các nút thắt của thị trường trái phiếu như các nút thắt liên quan đến lỗ hổng thể chế, hay liên quan đến giám sát phát hành đại chúng các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đấy cũng là giải pháp mang lại niềm tin ở thị trường trái phiếu và từ đó thúc đẩy được cái nguồn vốn của thị trường này, giúp ích cho sự phát triển của thị trường bất động sản", GS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định.

Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất hiện nay chỉ còn là cơ chế chính sách.

"Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, mỗi luật lại đi theo một cách khác nhau. Do đó các doanh nghiệp khi giải quyết vấn đề của mình thì được cái này lại vướng cái kia. Nghị quyết 33 đã nói lên được là chúng ta cần phải xử lý những luật gì có liên quan là phải xem xét để có sự thống nhất, chứ luật nọ với luật kia không khớp với nhau, rõ ràng rất khó", ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nói.

"Bộ Xây dựng sẽ xin Quốc hội tập trung hoàn thiện Luật Nhà ở cũng như các văn bản hướng dẫn, cho phép một số các quy định về phát triển nhà ở xã hội là sẽ có hiệu lực sớm và dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1/1/2024, được Quốc hội thông qua thì sẽ ảnh hưởng tích cực tới thị trường bất động sản", ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, thông tin.

Trong quý I, có 418 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn. Hiện các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước cũng đang được khuyến khích tham gia cho chủ đầu tư và người mua nhà nhà ở xã hội vay các gói tín dụng theo từng thời kỳ.

Ngày 10/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở. Mức lãi suất là 4,8%/năm được áp dụng từ 10/5 đến 31/12 năm sau.

Thủ tướng giao Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất lên cấp có thẩm quyền.

Xem thêm: Nhà ở xã hội phường Long Trường quận 9

Theo báo: vtv.vn